Tin tức

“20 năm đô thị hóa Bình Dương – Những vấn đề thực tiễn”: góp tiếng nói của các nhà khoa học xây dựng Bình Dương trở thành đô thị “văn minh – giàu đẹp – sống tốt”

Đăng lúc: 26-03-2016 - Đã xem: 2530

Đại diện Lãnh đạo tỉnh Bình Dương, ông Trần Thanh Liêm – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh đã đến tham dự và phát biểu chào mừng. Cùng tham dự, có lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh cùng đại diện các sở, ban ngành trong tỉnh. Về phía các nhà khoa học đầu ngành có PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và Phát triển, PGS.TS Hoàng Bá Thịnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội (ĐH KHXH&NV Hà Nội), ThS.KTS Huỳnh Văn Minh –Viện trưởng Viện Quy hoạch phát triển đô thị Bình Dương, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn – Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, TS. Fanny Quertamp Nguyễn - Giám đốc Trung tâm Dự báo và Nghiên cứu đô thị.
 
 Phát biểu khai mạc, PGS.TS  Nguyễn Văn Hiệp – Hiệu trưởng ĐH Thủ Dầu Một đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hội thảo trong việc trao đổi thông tin, quan điểm, phương pháp nghiên cứu, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng những mối quan hệ hợp tác bền vững trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu trong cả nước và quốc tế. PGS cũng nêu rõ, quá trình đô thị hóa của tỉnh Bình Dương trong thời gian qua đã làm thay đổi sâu sắc đời sống kinh tế-xã hội của tỉnh, song, một loạt vấn đề liên quan đến phát triển đô thị đang đặt ra khá gay gắt: Dân số tăng nhanh, chủ yếu là lao động nhập cư, tuy góp phần bổ sung nguồn nhân lực để phát triển kinh tế nhưng gây nhiều áp lực về hạ tầng giáo dục, nhà ở, y tế, việc làm và các chính sách an sinh xã hội; Công tác bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Trình độ quản lý đô thị chưa tương xứng trong khi nguồn lực cho đầu tư xây dựng ngày càng khó khăn, năng lực thực thi, nhất là quy hoạch, xây dựng, quản lý, vận hành đô thị còn hạn chế; Những bất cập và tồn tại trong quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị ở Bình Dương đã và đang cần có những giải pháp thấu đáo cả về khoa học lẫn thực tiễn. Đặc biệt, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, hướng tới xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành đô thị văn minh – giàu đẹp – sống tốt. Các kết quả nghiên cứu trong hội thảo này sẽ là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược và chính sách phát triển đô thị bền vững của Bình Dương trong tương lai.
 
Thống nhất các mục tiêu mà Ban tổ chức đề ra, hội thảo đã trải qua 3 phiên làm việc nghiêm túc với 21 báo cáo chuyên sâu được trình bày cũng như các tham luận được đăng trong kỷ yếu. Các nhà khoa học, nhà quản lý giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế đã tập trung làm sáng tỏ các nội dung như: việc quy hoạch đô thị - công nghiệp gắn với quy hoạch tổng thể phát triển Bình Dương và vùng TP.HCM; khung đánh giá thực thi đối với đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương; kiến trúc truyền thống trong đô thị hóa ở Bình Dương; một số đặc điểm của quá trình phát triển không gian đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương; phát triển đô thị Bình Dương theo hướng đô thị xanh; nghiên cứu vật liệu xanh của Khoa Kiến trúc và Đô thị Trường Đại học Thủ Dầu Một trong vai trò phát triển bền vững ở tỉnh Bình Dương; cây xanh trong quy hoạch phát triển bền vững tại Bình Dương; những cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ quá trình đô thị hóa ở Bình Dương; quy hoạch và phát triển hạ tầng giao thông trong quá trình đô thị hóa ở Bình Dương; vai trò của Bình Dương trong phát triển vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh – tiếp cận từ yếu tố cơ sở hạ tầng và khu công nghiệp…
 
Kết thúc hội thảo, PGS.TS. Tôn Nữ Quỳnh Trân đã thay mặt Ban tổ chức tổng kết các vấn đề đặt ra. PGS đánh giá cao các tham luận đã làm rõ nhiều nội dung quan trọng về mối quan hệ giữa công nghiệp hóa và đô thị hóa trong chiến lược phát triển của tỉnh Bình Dương trên cơ sở đối chiếu với các lý thuyết đô thị hóa. Từ những góc độ và khía cạnh đa dạng của quá trình đô thị hóa, các tham luận đã tập trung phân tích, bình luận và lý giải nhiều vấn đề về nguồn nhân lực, chất lượng cuộc sống, di dân, nhập cư, những biến đổi về văn hóa ở Bình Dương. Xuất phát từ tình hình thực tế của quá trình đô thị hóa, các tham luận đã đề xuất các giải pháp về phát triển công nghiệp nhằm tạo động lực để phát triển đô thị và ngược lại, phát triển đô thị nhằm phục vụ cho công nghiệp; xây dựng hệ thống quy hoạch đô thị hiện đại, đồng bộ và ổn định trong thời gian dài trên nền tảng quy hoạch vùng, quy hoạch kinh tế - xã hội; chú trọng phối hợp chặt chẽ và tuân thủ nghiêm ngặt trong quản lý đất đô thị; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giao thông, đầu tư xây dựng, quản lý công trình xây dựng; hỗ trợ tạo điều kiện ổn định xã hội để người dân yên tâm sống và làm việc, học tập, gắn bó lâu dàivới Bình Dương; những giải pháp để Bình Dương hướng đến đô thị văn minh - giàu đẹp - sống tốt.
 

Ông Trần Thanh Liêm - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh: “Sáng kiến tổ chức hội thảo “20 năm đô thị hóa Bình Dương - những vấn đề thực tiễn” với sự tham gia, phối hợp của nhiều cơ quan khoa học và giáo dục, đặc biệt là sự tham gia của các học giả quốc tế, là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá đúng thực trạng của quá trình đô thị hóa tỉnh Bình Dương trong những năm qua. Đồng thời, trên cơ sở những kết quả nghiên cứu của Hội thảo sẽ giúp các cấp Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương trong việc hoạch định chính sách quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị hướng tới mục tiêu bền vững, văn minh, hiện đại, là thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ X đã đề ra".
 
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp phát biểu khai mạc hội thảo

 GS.TS André Donzel trình bày tham luận "Thay đổi nhận thức về môi trường và những mô hình phát triển đô thị tại khu vưc Địa trung hải: nghiên cứu so sánh"

KTS Nguyễn Hữu Thái với tham luận "Bình Dương phát triển bền vững trong cơ cấu quản lý vùng đại đô thị Tp.Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ"

Các nhà khoa học, nhà quản lý tham dự hội thảo
BBT

 

Các bài viết khác