Tin tức

Cần triển khai các giải pháp phát triển đô thị Bình Dương một cách bền vững

Đăng lúc: 26-03-2016 - Đã xem: 2610

Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh

Bình Dương là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ. Cụ thể, trong thập niên 1990, tốc độ đô thị hóa của Bình Dương vào khoảng 20%, đến thập niên đầu của thế kỷ XXI đã tăng lên 50% và từ năm 2011 đến nay, tốc độ đô thị hóa ở mức 60-70%.

Sau gần 20 tái lập và đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bình Dương đã biến vùng đất thuần nông thành những khu, cụm công nghiệp và đô thị có kết cấu hạ tầng khá hoàn chỉnh, đồng bộ. Về hệ thống giao thông, nếu như vào năm 1996, tổng vốn đầu tư cho phát triển giao thông mới của tỉnh là 36,7 tỷ đồng thì đến năm 2002 tổng vốn đầu tư đã lên đến 310,2 tỷ đồng, tăng gấp 9 lần. Hiệu quả của việc đầu tư trên đã giúp Bình Dương xây dựng được một mạng lưới giao thông đường bộ với các tuyến đường huyết mạch nối các huyện, thị xã, thành phố, các KCN trong toàn tỉnh có thể lưu thông thuận tiện. Cụ thể, năm 1997, toàn tỉnh mới chỉ có 274,37km đường thì đến năm 2002 đã có 3.343 tuyến đường với tổng chiều dài 5.103km và đến năm 2015 đã tăng lên 7.244km đường các loại. Nhiều tuyến giao thông huyết mạch quan trọng được cải tạo, nâng cấp và xây mới như quốc lộ 1K, 13 và hệ thống các đường tỉnh gồm ĐT741, ĐT742, ĐT743, ĐT744, ĐT747. Những công trình trên đã góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cho toàn tỉnh. Song song việc đầu tư xây mới, nâng cấp và cải tạo các tuyến đường, Bình Dương còn chú trọng việc phát triển các phương tiện tham gia giao thông công cộng phục vụ cho việc đi lại của người dân được thuận tiện. Toàn tỉnh có 20 tuyến xe buýt với trên 225 phương tiện vận chuyển, khối lượng vận chuyển tăng bình quân hàng năm từ 3-5%; 8 bến xe khách, trong đó có 192 tuyến cố định, với 512 phương tiện tham gia khai thác đến 34 tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Do thi hoa 5.jpg   

  Với quá trình đô thị hóa, thời gian qua Bình Dương đã đầu tư phát triển hệ thống phương tiện giao thông công cộng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân

Bên cạnh đó, hệ thống điện lực được tập trung phát triển. Giai đoạn từ 1997-2015, ngành điện đã đầu tư khoảng 3.623 tỷ đồng để xây dựng các công trình điện. Đối với hệ thống cấp thoát nước, sản lượng nước sạch ngày một tăng đáp ứng yêu cầu phát triển. Cụ thể, vào năm 1998, công suất cấp nước mới chỉ đạt 20.000m3/ngày đêm với tỷ lệ thất thoát cao nhất lên đến 60% thì đến năm 2004, công suất cấp nước đã đạt 60.000m3/ngày đêm, tỷ lệ thất thoát nước 28,88% và đến năm 2015 đã là 300.000m3/ngày đêm, tỷ lệ thất thoát nước giảm xuống chỉ còn 7,3%.

Ngành bưu chính viễn thông không ngừng tăng trưởng, mạng lưới truyền dẫn được hiện đại hóa bằng cáp quang. Số lượng lắp đặt máy điện thoại cố định và di động không ngừng gia tăng qua các năm. Từ 18.457 thuê bao cố định (năm 1997) đã tăng lên khoảng 133.821  thuê bao vào năm 2015; thuê bao di động cũng tăng tương ứng từ 572 thuê bao (năm 1997) lên 3.107.430 thuê bao (năm 2015)…   

 

    Do thi hoa 4.jpg  

Nhằm phục vụ quá trình đô thị hóa, thời gian qua, Bình Dương đã tập trung đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ 

Bên cạnh sự phát triển về hạ tầng kỹ thuật, quá trình đô thị hóa cũng góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh ngày càng phát triển. Cụ thể, giai đoạn 1997-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13%/năm, vượt rất xa so với mức bình quân của cả nước. Tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, trong đó lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao.

Phát triển đô thị bền vững   

Có thể nói, đô thị hóa đã góp phần cải thiện môi trường sống của dân cư đô thị, cảnh quan đô thị ngày càng phát triển và đẹp hơn, đặc biệt là sự phát triển vượt bậc của kết cấu hạ tầng, góp phần nâng cao năng lực sản xuất của các hộ gia đình. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa cũng đặt ra nhiều vấn đề cho Bình Dương cần phải giải quyết. Đó là sự phát triển quá nhanh của đô thị, cùng với sự phát triển của công nghiệp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường như vấn đề khai thác quá mức nguồn nước ngầm, ô nhiễm mặt nước, không khí và ứ đọng chất thải rắn, mạch nước ngầm có dấu hiệu suy giảm cả về trữ lượng và chất lượng. Cùng với sự phát triển của đô thị là quá trình di dân từ khu vực nông thôn ra thành thị, dân nhập cư đã làm gia tăng áp lực về việc làm, thu nhập, dịch vụ y tế, nhà ở…Trình độ quản lý đô thị chưa tương xứng trong khi nguồn lực cho đầu tư xây dựng ngày càng khó khăn, năng lực thực thi, nhất là quy hoạch, xây dựng, quản lý, vận hành đô thị còn hạn chế. 

 do thi hoa 1.jpg

  Quá trình đô thị hóa đang đặt ra cho Bình Dương nhiều vấn đề cần giải quyết

Để sớm đưa Bình Dương trở thành đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, tỉnh cần có các giải pháp phát triển đô thị một cách bền vững. Theo Thạc sĩ Nguyễn Quang Giải-Phó bộ môn Quản lý đô thị, Khoa Kiến trúc thuộc Trường Đại học Thủ Dầu Một, với mức độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh, và con đường đạt đô thị loại I trực thuộc Trung ương ngày càng cận kề. Do vậy, Bình Dương cần lựa chọn mô hình phát triển đô thị kết hợp giữa đô thị nén, đô thị chuỗi và đô thị vệ tinh theo 3 khu vực. Theo đó, đô thị nén nằm ở phía Nam; chùm đô thị ở khu vực trung tâm và đô thị vệ tinh nằm ở phía Bắc. Việc lựa chọn, phát triển đô thị theo kiểu này sẽ giúp đô thị Bình Dương phát triển bền vững, hạn chế và tránh được những "căn bệnh đô thị" mà nhiều đô thị đang phải đối mặt.

Còn TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn-Chuyên gia quy hoạch kiến trúc cho rằng, để phát triển đô thị bền vững, Bình Dương cần ưu tiên phát triển trong mối liên kết vùng. Xây dựng bản sắc phong phú cho Bình Dương với nhiều khu vực đô thị mang cơ cấu và bản sắc riêng, phù hợp với nhu cầu ở và làm việc đa dạng của người dân địa phương. Trong đó, cần cung cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đầy đủ, với thể loại, chất lượng và giá cả tương xứng với nhu cầu thực tế của người dân trong cộng đồng. Hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học, công viên, trung tâm thể dục thể thao, trung tâm cộng đồng…) được thiết kế phù hợp để phục vụ cho các nhu cầu rất riêng của từng cộng đồng và nằm trong bán kính đi bộ từ nơi ở và làm việc.

Xây dựng các cơ sở tạo công ăn việc làm cho cư dân cũ và mới, tạo nên nguồn động lực thu hút nhân lực di dân về khu vực. Tạo điều kiện cho người dân có thể sở hữu nhà với giá rẻ, có thể trả góp trong nhiều năm. Quan tâm phát triển các không gian dành cho nước song song với phát triển không gian dành cho giao thông và công trình, phục vụ cho sự phát triển bền vững dài hạn. Phát triển đô thị và nông thôn theo các tiêu chí bền vững về quy hoạch kiến trúc. Phát triển đô thị trên khung sườn hệ thống giao thông công cộng. 

Do thi hoa 3.jpg

  Theo các chuyên gia, để phát triển đô thị bền vững Bình Dương cần có những giải pháp giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, an sinh, phúc lợi xã hội

Trong khi đó, giảng viên Phạm Ngọc Hòa-Học viện chính trị khu vực IV khuyến nghị, tỉnh cần tiếp tục xây dựng hệ thống quy hoạch đô thị hiện đại, đồng bộ và ổn định trong thời gian dài trên nền tảng quy hoạch vùng, quy hoạch kinh tế-xã hội, chú trọng tính khả thi khi đề xuất phân kỳ đầu tư và giải pháp thực hiện quy hoạch. Việc thực hiện đô thị hóa phải theo hướng tư duy hiện đại, hướng đến mức độ thụ hưởng của người dân đi đôi với đổi mới tư duy trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch theo hướng bền vững. Trong đó, cần tránh quy hoạch xây dựng trước quy hoạch tổng thể. Gắn quy hoạch đô thị với phát triển các ngành nghề, đặc biệt là các ngành nghề truyền thống của tỉnh. Xây dựng và mở rộng các ngành công nghiệp chế biến, dịch vụ ngay tại nông thôn để thu hút lao động nông nghiệp vào lĩnh vực này với phương châm "ly nông bất ly hương".

Tăng cường phân cấp quản lý đô thị. Chú trọng phối hợp chặt chẽ và tuân thủ nghiêm ngặt trong quản lý đất đô thị, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giao thông công chính, đầu tư xây dựng. Trong phát triển đô thị, chú trọng hướng đến con người, lợi ích của nhân dân bằng việc giải quyết vững chắc, từng bước có hiệu quả các vấn đề xã hội, an sinh, phúc lợi xã hội; quan tâm giải quyết những vấn đề tiềm ẩn bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định, bền vững của đô thị.

Các bài viết khác